
Cùng khám phá nhà tù Pleiku với 10 điều sau đây
Cũng như bao hệ thống nhà tù, trại giam khác của thực dân đế quốc ở các tỉnh miền Nam và miền Bắc, nhà tù Pleiku được Pháp xây dựng nên nhằm mục đích đàn áp, khủng bố tinh thần đấu tranh của những chiến sĩ Cộng sản, những con người Việt Nam yêu nước.
Lịch sử nhà tù Pleiku
Nơi đây được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1925. Đầu tiên, nhà tù chỉ để giam giữ những người tù thường phạm và chủ yếu là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đến năm 1940, thực dân Pháp dùng nơi này để giam giữ những người tù cách mạng, những người cộng sản yêu nước mà chúng bắt được.
Đến tháng 9 năm 1940, Chi bộ nhà tù Pleiku chính thức được thành lập. Trong cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, quân Mỹ vẫn sử dụng nhà tù này làm nơi giam giữ những người tù chính trị.
Vị trí
Nhà tù Pleiku được thực dân Pháp xây dựng trên một ngọn đồi đất đỏ cao trên đường Thống Nhất thuộc phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhà tù tọa lạc ở giữa lòng thành phố Pleiku, vì vậy nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm tham quan độc đáo dành du khách mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
Diện tích
Tổng diện tích của khu trại giam là vào khoảng 7ha, được bao quanh bởi những bức tường kiên cố cao tới 3m và được rào lại bằng những hàng thép gai. Ở phía Tây Bắc và Tây Nam của nhà tù có 2 bốt gác, binh lính trang bị vũ trang đầy đủ luôn túc trực 24/24, còn phía Đông được đặt lô cốt bảo vệ.
Cấu trúc nhà tù
Nhà tù Pleiku có tổng cộng 18 phòng giam và 2 phòng dùng để làm chuồng cọp. Mỗi phòng giam chỉ có diện tích khoảng 10m2 với 2 ô cửa nhỏ, thế nhưng một phòng lại giam giữ đến 120 người.
Thực dân Pháp phân loại tù nhân theo từng cấp bậc, độ thương tật và các vùng miền để dễ dàng kiểm soát. Ở dãy nhà giam chính bao gồm 5 phòng:
- Phòng số 1 giam những người tù chính trị.
- Thường là người dân tộc thiểu số, phòng số 2 giam quân phạm.
- Phòng số 3 giam những người tù công vụ
- Phòng số 4 giam tù thường phạm
- Phòng số 5 là phòng giam đặc biệt chỉ dành để giam những người tù chính trị nguy hiểm nhất. Phòng 5 (khu xà lim) lại được chia thành 8 xà lim, mỗi xà lim rộng 1,6m và dài 2m. Trong đó, có 2 xà lim chẹt chỉ rộng 0,5m với một tấm ván gỗ chia thành 2 tầng.
Chốn “Địa ngục trần gian”
Những người tù bị nhốt trong những phòng giam này thường xuyên bị ngất xỉu vì thiếu oxy để thở. Với buồng đặt biệt, thân thể tù nhân bị giam ở trong, nhưng chân họ lại bị còng thò ra ngoài cửa và bị tra tấn bằng nhiều hình thức dã man và tàn độc. Điển hình là dùng gậy gỗ đánh vào gan bàn chân mỗi ngày.
Những hình thức tra tấn dã man
Thực dân Pháp với âm mưu hủy diệt cả tinh thần và thể xác của tù nhân, hoặc làm cho họ sợ hãi đến mức mà phải từ bỏ lý tưởng cách mạng của mình. Chủ trương của chúng là muốn vô hiệu hóa tù nhân, khiến họ trở nên vô dụng, nhằm thui chột lực lượng cách mạng của Việt Nam.
Bởi vậy, địch đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt ép buộc tù nhân phải khuất phục, đầu hàng và phản bội lại cách mạng. Để nếu còn sống trở về thì cách mạng cũng không thể tin tưởng được nữa.
Nhà tù của những cuộc đấu tranh
Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, sự ra đời của các chi bộ Đảng trong nhà lao đã gắn liền với các cuộc đấu tranh diễn ra hết sức quyết liệt. Nhằm chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, phản đối bạo lực tàn bạo, hạn chế khổ sai, bảo vệ nhân cách của người cộng sản.
“ Địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ.
Nhà tù Pleiku là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là lớp học sinh, sinh viên ngày nay. Rất nhiều tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên đã chọn nơi đây làm địa điểm để tổ chức sinh hoạt, kết nạp Đảng viên, Đoàn viên và làm nơi gặp gỡ, lắng nghe các bác cựu tù binh kể chuyện.
Từ đó, làm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” và nhắc nhở lớp người trẻ tuổi phải ghi nhớ những công ơn thầm lặng của các cựu tù chính trị trong cuộc chiến không cân sức giữa chốn lao tù đầy khó khăn, nguy hiểm.
Địa điểm tham quan nổi tiếng
Năm 1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã đưa ra Quyết định số 321/QĐ-BT, công nhận di tích lịch sử Nhà tù Pleiku là một trong những di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.
Nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng đối với cả du khách trong nước lẫn nước ngoài. Đặc biệt, năm 2017, Di tích lịch sử Nhà tù Pleiku lọt vào top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai được công bố trong Top điểm đến địa phương của Việt Nam.
Nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc.
Suốt nửa thế kỷ tồn tại, nhà tù Pleiku là nơi lưu trữ chứng tích bi thương nhưng lại rất đỗi hào hùng của những chiến sĩ cách mạng yêu nước, những Đảng viên cộng sản bị địch bắt tra tấn, giam cầm, đày đọa dã man vẫn “kiên trung bất khuất”.
Họ không chịu đầu hàng trước kẻ địch nham hiểm mà vẫn kiên quyết đấu tranh đến cùng. Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây nhà tù đế quốc chỉ còn lại là những chứng tích bi hùng của cả một dân tộc kiên cường.
Lời kết
Đi bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, nhà tù Pleiku vẫn sừng sững ở đó như để nhắc nhở chúng ta về những nỗi đau, những gian khổ và cả những chiến tích hào hùng của đồng bào Tây Nguyên. Ngày nay, nơi đây được xem như là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; là nơi lưu trữ những chiến tích anh hùng của cả dân tộc Việt Nam.